ẨM THỰC SA ĐÉC QUA ỐNG KÍNH CỦA CHÀNG TRAI TRẺ

Ngày đăng: 18 / 10 / 2016 02:06

Ẩm thực Sa Đéc qua ống kính của anh, rất chân thực mà cũng vô cùng hấp dẫn!


Anh, Liêu Lãm - một người con Sa Đéc. Tình cờ dạo facebook, tôi đã bắt gặp album này của anh, tôi đã dừng chân rất lâu vì thực sự không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của những món ăn cùng với sự am hiểu về ẩm thực Sa Đéc của anh.
“Sa Đéc, sự ăn cũng lắm điều để nói” là tiêu đề vô cùng thú vị mà anh đã đặt cho album này, album nói về những món ăn nổi tiếng như hủ tiếu Sa Đéc, bánh tằm.. cho tới những chén nước chấm cũng trở nên thật “quyến rũ” qua ống kính của anh.

Xin được phép chia sẻ lại những bức ảnh được chụp qua ống kính và cảm nhận từ trái tim của người con xa xứ - Liêu Lãm.
Biết không chừng xem xong bạn lại có ý định cho một chuyến đi Sa Đéc cũng nên!

 

"..Cái đặc biệt ở hủ tíu Sadec nằm ở chính những cọng hủ tíu. Nó chẳng những to, thơm nức mùi bột gạo mà còn dai dai, không hề bị bở như các loại hủ tíu khác." 

 

"Quán có cho một ít bột nếp vào, làm cho tương có vị beo béo, thơm thơm, lấy gỏi chấm vào, thêm tí ớt nữa thì tuyệt cú mèo!"

 

"Da heo cắt sợi, thịt heo trộn với gia vị, thín rồi cuốn với rau thơm. Món này phải chấm với nước mắm pha chua chua thì mới đúng điệu."

 

"Loại bánh này cũng làm từ bột gạo mà ra và luôn đảm bảo độ tươi, không thể bảo quản lâu.Có nhiều nơi hay đặt biển hiệu là "bánh tằm bì". "

 

"Ở miền Tây, xứ của lúa gạo, gạo tấm là thứ không thiếu. Gạo tấm không dính lại sau khi nấu, không gây cảm giác no nặng bụng như hạt gạo bình thường, mang đúng nghĩa là một món ăn sáng..."

 

"Ăn kèm với bánh cống là rau thơm, rau xà lách, cải xanh, rau diếp (dấp) cá,... Trải những thứ rau đó lên lòng bàn tay, đặt một góc tư cái bánh cống vào rồi cuốn lại."

 

"Để làm cọng mì, bên cạnh bột gạo (dĩ nhiên), còn có trứng gà và một số phụ liệu khác. Gọi là "mì tươi" là vì cọng mì vừa được làm ra là phải ăn cho kì hết trong vòng 2-3 ngày và không hề có chất bảo quản. Nếu để lâu hơn, cọng mì sẽ hư."

 

"Cá lóc quay có một lớp da giả bên ngoài làm từ bột nếp, tẩm gia vị vừa ăn và được quay giòn rụm."

 

'Khi ăn, sự nóng giòn của lớp bột nếp bên ngoài quả chuối hoà quyện với nước cốt dừa béo ngầy ngậy, rồi cắn thêm một miếng chuối ngọt và bùi, mình cảm giác như cả miền Tây sông nước, giản dị như ngập tràn trong từng dây thần kinh vị giác."

 

"Vậy là cái vị thơm, dai của hủ tíu, cùng với vị beo béo của mỡ thơm, nước sốt, quyện chặt cùng cái nồng nồng đặc trưng đậu nành của nước tương, thêm tí chua của hạnh (miền Trung và Đông Nam Bộ gọi là "tắc", miền Bắc gọi là "quất") và tí cay cay của ớt. Tất cả tạo nên một bản giao hưởng vị giác, nhảy múa trong khoang miệng của chúng ta!"

 

"Xin khẳng định: đây là nước mắm pha chứ không phải nước mắm nguyên chất. Và nước mắm pha để ăn bánh tằm thì phải có đủ độ chua chua, ngọt ngọt và không có mùi mắm quá nặng."


Nguồn: FB Liêu Lãm

 
 
 
 
Bài viết liên quan